Thời trang Thu -Đông 2018
Giỏ hàng 0

Thời trang Thu -Đông 2018

Ngày đăng: 09:19 AM 07/11/2018 - Lượt xem: 856


Lụa và đũi của một số làng dệt Việt Nam sẽ được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang.

NDĐT - Các chất liệu vải truyền thống của Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Thái Bình và Hà Nam sẽ được tôn vinh trong Tuần lễ thời trang Thu Đông Việt Nam 2018 sắp tới tại Hà Nội.

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, đại diện Ban tổ chức Tuần lễ thời trang Thu Đông Việt Nam 2018 cho biết, có tới 60% chất liệu sử dụng cho các mẫu thời trang trong Tuần lễ là chất liệu vải truyền thống của các làng nghề thuộc các địa phương từ bắc vào nam. Lụa Nha Xá (Hà Nam), lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng), đũi Nam Cao (Thái Bình), vải gai Thiên Ấn và sợi gai An Phước sẽ lần lượt được các nhà thiết kế “thổi hồn” vào trở thành những bộ trang phục thời thượng, hiện đại, táo bạo và đầy sức trẻ qua các sáng tạo phá cách, theo xu hướng thời trang mới nhất của thế giới.

19 nhà thiết kế tham gia Tuần lễ thời trang vẫn là những gương mặt quen thuộc như Hà Duy, Ngọc Hân, Duy Nguyễn, Cao Minh Tiến, Công Huân, Chula, Cao Duy, Nhi Hoàng, Minh Hạnh… Ngoài ra, năm nay xuất hiện những cái tên hết sức mới mẻ như Hữu Là La, Tea Gelashvili (nhà thiết kế được đào tạo từ trường thiết kế thời trang nổi tiếng Domus Academy, Milan, Italia). Các nhà thiết kế đã đem đến những sáng tạo đầy cá tính như veston với chất liệu đũi của Duy Nguyễn, đầm lụa và voan đính hoa cúc magaritte 3D của Phương Thanh, nữ tính hóa phong cách quân đội với những sợi ruban của Công Huân, dệt 3D trên nền lụa Bảo Lộc chỉ dành riêng cho cravate của Nguyễn Thúy, thổ cẩm kết hợp với sơ mi dress và lưới, ren của Quang Huy…, và đặc biệt những sáng tác mới cho một chất liệu mới được coi là khám phá về chất liệu cho ngành thời trang Việt là vải gai Thiên Ân (Quảng Ngãi) và gai An Phước (Thanh Hóa).

Gai Thiên Ân là một câu chuyện đặc biệt trong Tuần lễ thời trang lần này, chính vì thế mà tại buổi họp báo giới thiệu có sự xuất hiện của một vị khách đặc biệt, không liên quan đến thời trang: ông Trần Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ông Minh chia sẻ: “Thời gian tôi làm việc tại TP Hồ Chí Minh, có lần tôi tình cờ gặp nhà thiết kế Minh Hạnh và kể cho chị nghe về loại sợi đặc biệt của quê tôi, là sợi gai. Chị đã ngay lập tức nhờ tôi về kiếm giúp loại sợi này. Không chắc chắn lắm về dự định của chị, nhưng tôi vẫn về và cùng gia đình tự tay bóc, gỡ, se sợi được một cuộn gai to. Cuộn gai đó, sau khi được chuyển tới chị Minh Hạnh, đã được dệt thành khoảng 60m vải gai, và chị đã dùng để tạo ra nhiều bộ trang phục thú vị. Một số bộ trong số đó đã được các nhà tạo mẫu mặc trong buổi họp báo”.

Sợi từ cây gai và cành gai.

Ông cũng cho biết, cây gai là loại cây đặc biệt của người Quảng Ngãi, tận dụng được từ lá đến rễ, lá làm bánh gai, rễ, cành làm thuốc, nay lại tận dụng tiếp được thân vỏ làm sợi gai dùng trong công nghiệp may mặc. “Đây sẽ là một hướng đi mới, một loại cây trồng mới cho người nông dân ở Quảng Ngãi. Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng diện tích trồng, một phần tiêu thụ do công ty An Phước, phần còn lại nhờ vào các nhà thiết kế. Hôm nay, tôi thực sự xúc động khi thấy sản phẩm của quê hương mình được hóa thân thành những mẫu thiết kế đẹp và hiện đại như vậy”.

Để làm ra được một mét vải gai như vậy, không hề đơn giản. Nhà thiết kế Lương Thanh Hạnh cho biết, sợi gai sau khi se phải ngâm nước gạo rồi phơi lên rồi lại nấu để cho mềm sợi gai ra, bởi vì sợi gai rất cứng. Sau đó, các cụ phải ngồi se bằng cánh tay trần rồi sau đó mới đưa vào dệt. Hai người trong một ngày mới làm ra được một cuộn sợi. Đặc biệt, vải được dệt bằng khung gỗ cổ nhất của làng dệt đũi Nam Cao. Nhà thiết kế Lương Thanh Hạnh cho biết: “Khi chị Minh Hạnh đưa sợi gai này về, thì chỉ duy nhất khung gỗ cổ đó mới dệt được, còn tất cả các máy móc hiện đại đều chào thua. Khung dệt cổ này ở làng dệt đũi Nam Cao, nơi chúng tôi đến khôi phục nghề dệt và sản phẩm đũi”.

Một mẫu thiết kế từ chất liệu vải gai.

Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Trong nhiều lần đem các mẫu thiết kế ra nước ngoài giới thiệu, nhiều người thường quan tâm đến xuất xứ của chất liệu, có phải của Việt Nam không. Một mẫu thiết kế made in Vietnam thành công là 100% của Việt Nam, từ nguyên liệu, chất liệu đến thiết kế. Chất vải gai này là một hướng đi mới của chúng tôi, khi phần lớn ra nước ngoài giới thiệu chỉ là thổ cẩm, thi thoảng là lụa…”

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, với những thiết kế mới từ chất liệu sợi gai này, giấc mơ theo đuổi mô hình thời trang bền vững của thời trang Việt Nam càng được củng cố hơn.

Tuần lễ thời trang Thu Đông sẽ diễn ra bắt đầu từ tối 29-8 đến hết tối 2-10, tại trường quay S14, Đài truyền hình Việt Nam 43 Nguyễn Chí Thanh. Đạo diễn chương trình là gương mặt quen thuộc Lê Quang Tú. Năm nay, đạo diễn cho biết, sân khấu của ba đêm Ready to wear sẽ hướng tới sự tối giản, mỗi đêm là một màu đơn sắc. Tối cuối cùng - Haute couture, đặc biệt nhất, bởi anh sẽ lần đầu tiên đưa những bức tượng gỗ của một làng nghề tượng gỗ nổi tiếng ở miền bắc lên sân khấu.

TUYẾT LOAN

 

Gọi điện Gọi điện Nhắn tin Nhắn tin Chat Zalo Chat Zalo Chat Facebook Chat Facebook
Facebook